Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 6
Hôm nay : 47
Năm 2024 : 4.737
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Sơn Dương tổ chức Hội nghị nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục học sinh

 Ngày 04/01/2020, Trường THPT Sơn Dương tổ chức Hội nghị nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục học sinh. Thành phần của Hội nghị gồm có các đồng chí Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, đại diện cha mẹ học sinh của 35 lớp. Chủ trì Hội nghị là Thầy giáo Nguyễn Chí Thức - Hiệu trưởng nhà trường.

     Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp: Giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện nhiệm vụ quản lí lớp học và là người thay mặt Hiệu trưởng quản lí một lớp học, xử lí các tình huống thuộc thẩm quyền của mình. Giáo viên chủ nhiệm còn là người xây dựng tập thể học sinh thành một khối đoàn kết, người tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh trong lớp; tư vấn, định hướng, chắp cánh ước mơ cho học sinh; đồng thời giáo viên chủ nhiệm còn là người giữ vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các tổ chức trong nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh; là người cha người mẹ thứ hai của các em.

       Chương trình Hội nghị gồm hai phần. Nội dung thứ nhất, toàn thể các thành viên tập trung trao đổi về tình hình tu dưỡng đạo đức và ý thức học tập của học sinh trong nhà trường.

Thực trạng giáo dục học sinh: Thầy giáo Hiệu trưởng trình bày khái quát về tình hình học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh trong học kì I, năm học 2019-2020. Đại đa số học sinh Trường THPT Sơn Dương chăm ngoan, ý thức tự giác trong học tập thể hiện qua việc tham gia các Cuộc thi, Kỳ thi đạt kết quả cao. Bên cạnh đó vẫn còn những học sinh chưa tự giác, chưa ý thức vươn lên trong học tập cần được uốn nắn kịp thời. Vấn đề đang được quan tâm không chỉ là việc nâng cao ý thức tự giác, tích cực học tập của học sinh mà điều trăn trở nhất của giáo viên và phụ huynh là cần ngăn chặn kịp thời hiện tượng học sinh thực hiện chưa tốt nội quy nhà trường như: đi học muộn, mặc không đung đồng phục quy định, lười học, vi phạm ATGT, bạo lực học đường…. Các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm nhiệt tình với công tác giáo dục học sinh, thường xuyên bám lớp, có những biện pháp giáo dục đối với học sinh cá biệt nhưng hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân đó là do một bộ phận gia đình học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của con cái, hoặc chiều con quá mức; chưa kết hợp với giáo viên chủ nhiệm; có nhiều gia đình, cha mẹ chưa thực sự là nơi để cho con cái chia sẻ, tâm sự những khó khăn trong học tập và những thắc mắc trong cuộc sống.

Một số nhóm giải pháp trong việc giáo dục học sin: Cha mẹ quản lí chặt chẽ việc học tập của con em tại nhà, có thời gian biểu cụ thể cho từng môn học và thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình học tập của con thực sự hiệu quả;  Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình với nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm để nắm được tình hình học tập của học sinh. Lập các nhóm như Zalo, messenger…. để trao đổi thông tin;  Giáo viên chủ nhiệm chủ động, nâng cao vai trò trong việc quản lí chặt chẽ từng đối tượng học sinh; phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn và các tổ chức trong nhà trường để có biện pháp giáo dục học sinh;  Đoàn trường tăng cường vai trò quản lí chặt chẽ nề nếp của học sinh như: đi học đúng giờ, việc tham gia giao thông, trang phục, đầu tóc và các hoạt động phong trào,… có hình thức tuyên dương khen thưởng kịp thời và hình thức xử lí học sinh vi phạm đúng mực để giáo dục học sinh; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc quản lí học sinh trong và ngoài nhà trường. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời những học sinh có dấu hiệu vi phạm tệ nạn xã hội; Nâng cao vai trò của Hiệu trưởng trong công tác quản lí, quản trị nhà trường. Xử lí nghiêm khắc và nghiêm túc những trường hợp học sinh vi phạm hướng tới một môi trường thân thiện, tích cực.

Sự đồng tình của Hội nghị  Đại diện cha mẹ học sinh các lớp cũng rất đồng tình với các giải pháp của nhà trường, của các giáo viên chủ nhiệm và cũng sẵn sàng phối hợp với nhà trường, đưa vấn đề này ra trao đổi trong Hội nghị cha mẹ học sinh của từng lớp vào cuối học kì I, thảo luận với các phụ huynh học sinh trong lớp, đặc biệt là cha mẹ của những học sinh cá biệt, chậm tiến… . Những kinh nghiệm giáo dục học sinh của các thầy cô giáo trong BCH công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của các đoàn thể trong nhà trường và những phương pháp, biện pháp quản lí học sinh hiệu quả. Tuy nhiên, để giảm số lượng học sinh vi phạm trong nhà trường có số học sinh trên 1.300 em không phải là một công việc dễ dàng. Để thực sự xây dựng một trường học thân thiện, mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui và học sinh có hứng thú học tập, có ý thức rèn luyện cần có sự phối hợp hài hòa, đầy tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong nhà trường (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) với các đoàn thể, với cha mẹ học sinh. Thầy Nguyễn Chí Thức nhấn mạnh: Nếu gia đình buông bỏ một chút, nhà trường buông bỏ một chút, học sinh sẽ ngày càng giảm sút về ý thức tu dưỡng và rèn luyện, trở thành gánh nặng cho xã hội. Nên chúng ta phải chung tay, cố gắng thực hiện nhiệm vụ chung để nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục của học sinh trong nhà trường. Toàn thể Hội nghị đã thống nhất cao về tinh thần phối hợp tốt giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác quản lí, giáo dục học sinh.

Điểm mới trong xét hạnh kiểm học sinh:  Nét đổi mới trong năm học 2019-2020 là nhà trường đã tạo điều kiện để đại diện cha mẹ học sinh các lớp được tham gia họp xét hai mặt giáo dục của học sinh trong học kìI. Đây là nội dung thứ hai của Hội nghị. Trong phần này, giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh tham gia theo các khối lớp. Qua báo cáo tình hình của các lớp, giáo viên chủ nhiệm cung cấp về kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; đặc biệt là những học sinh còn xếp loại hạnh kiểm Trung bình và Yếu. Những học sinh này đều vi phạm nội qui của nhà trường nhiều lần hoặc vi phạm những lỗi nặng (như đánh nhau, vô lễ với giáo viên, chưa trung thực trong thi cử…). Cha mẹ học sinh dự họp cũng có nhận xét chung về những học sinh thường xuyên vi phạm nội qui cũng là những học sinh đã từng mắc lỗi trong những năm học trước, và đó cũng là những học sinh không được cha mẹ thường xuyên quan tâm, nhắc nhở… Bên cạnh việc ghi nhận những thành tích đã đạt được của các lớp, giáo viên và cha mẹ học sinh quan tâm bàn bạc về cách giải pháp giáo dục những học sinh cá biệt này.

     Qua Hội nghị, giáo viên trong nhà trường và cha mẹ học sinh đã có điều kiện để gần gũi và chia sẻ nhiều hơn về công tác giáo dục học sinh. Cha mẹ học sinh cũng không ngại ngần chia sẻ về hoàn cảnh riêng và mong muốn hợp tác tốt hơn với nhà trường. Tuy mới chỉ là bước đầu đổi mới nhưng Hội nghị đã đem đến cho nhà trường hướng giải quyết những khó khăn trong công tác giáo dục học sinh khả quan hơn. Hội nghị khép lại nhưng mở ra cho nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh, tạo cơ hội để phối hợp với cha mẹ học sinh làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong năm học 2019 - 2020 cũng như trong tương lai của trường THPT Sơn Dương.

Ban Biên tập Trường THPT Sơn Dương


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Nội dung đang được cập nhật.